Xử phạt hộp đen: Nhiều ″nhà xe″ vẫn cố tình vi phạm

     

Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP quy định, phương tiện vận tải không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) hoặc có lắp nhưng không đúng quy chuẩn sẽ bị xử lý nghiêm từ ngày 1/7/2013.
 
 
Mặc dù Nghị định 91 đã cho lui thời hạn triển khai tới 2 năm, nhưng đến ngày hôm nay khi Thanh tra sở Giao thông Vận tải Hà Nội triển khai lực lượng kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng thiết bị hộp đen trên xe khách và xe buýt tại các bến xe trên địa bàn thủ đô vẫn phát hiện quá nhiều sai phạm.
 
Về số lượng, thì hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định lắp đặt thiết bị hộp đen, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã "cố tình vi phạm" các quy định đã đề ra về chất lượng hộp đen.
 
Nhiều xe lắp đặt hộp đen “lỗi”
 
Tại Bến xe Giáp Bát, đoàn Thanh tra Sở Giao thông Hà Nội đã tiến hành kiểm tra xác xuất tại hiện trường 20 phương tiện, thuộc 2 nhóm đối tượng là xe buýt và xe khách. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, hầu hết các phương tiện đã lắp đặt đầy đủ thiết bị.
 
“Các thiết bị lắp trên xe đều hoạt động tốt, có khả năng trích xuất đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Duy chỉ có 1 phương tiện không in được thông tin tại thời điểm kiểm tra do gặp trục kỹ thuật, nhưng sau khi được hiệu chỉnh, thiết bị lại trích xuất được thông tin theo yêu cầu,” đại diện đoàn Thanh tra cho biết.
 
Trong ngày đầu tiến hành kiểm tra việc lắp đặt hộp đen đối với xe buýt, xe khách tại bến xe Mỹ Đình, lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội chủ yếu tập trung vào kiểm tra xe đã lắp đặt thiết bị hộp đen hay chưa? Thiết bị được lắp đặt có đảm bảo được các quy định hay không?
 
[Thiết bị hộp đen: Lắp đặt cho có, quản lý lại buông]
 
Sau gần 3 tiếng kiểm tra, tại các loại xe buýt, việc chấp hành các quy định trên được các doanh nghiệp chấp hành khá nghiêm túc.
 
Tuy nhiên, đối với các loại xe khách hoạt động theo tuyến cố định, hầu hết, các xe bị kiểm tra đều không đáp ứng được những yêu cầu đã đề ra.
 
Theo số liệu thống kê kiểm tra thực tế tại bến xe Mỹ Đình cho thấy, có đến 9/10 xe đã bị đoàn kiểm tra phát hiện chưa đạt yêu cầu.
 
Cụ thể như các xe mang biển kiểm soát 36N-4344; 29B-018.65; 28B-000.25; 29B-018.08; 31F-5600… đã lắp đặt hộp đen nhưng thiết bị của các xe trên đều không đáp ứng được các tiêu chí như: trích suất được thông tin về xe và lái xe, hành trình, tốc độ vận hành của xe, số lần và thời gian dừng đỗ, số lần và thời gian đóng mở cửa xe, thời gian lái xe.
 
 
Nhiều phương tiện vẫn lỗi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để siết chặt các vi phạm, đoàn Thanh tra đã lập biên bản 2 trường hợp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Vận tải Hòa Bình (Bình An) vì thiết bị không trích xuất được dữ liệu, 7 trường hợp còn lại bị nhắc nhở do số sim trên tem hướng dẫn không phù hợp với số sim trên thiết bị, hoặc tem hướng dẫn bị mất tại thời điểm kiểm tra.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Đông, nhân viên kỹ thuật hỗ trợ đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiết bị hộp đen không trích suất được thông tin liên quan đến lộ trình của xe, trong đó, tập chung chủ yếu vào các lỗi như, lái xe làm mất số sim đăng ký của thiết bị; số điện thoại đăng ký trên thiết bị không liên lạc được nên không thể trích suất, in thông tin về lộ trình của xe.
 
Bên cạnh đó, ông Đông cũng phân tích nguyên nhân thiết bị hộp đen thiếu tem hướng dẫn là do nhà cung cấp khi lắp đặt thiết bị đã không cung cấp tem hướng dẫn để hướng dẫn phục vụ việc in thông tin; hoặc nhà xe không bảo quản tốt để tem rơi ra khỏi thiết bị dẫn đến khi kiểm tra không in được.
 
Anh Lê Xuân Hòa, lái xe của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ Vận tải Hòa Bình tỏ ra bức xúc và không đồng tình với biên bản kết luận kiểm tra thiết bị.
 
Theo anh Hòa, thiết bị trên xe vẫn hoạt động bình thường vì đi ở đường vẫn thấy tín hiệu cảnh báo xe chạy quá tốc độ. Nhưng về bến, đoàn kiểm tra lại nói thiết bị không đạt do không in được dữ liệu.
 
“Cái này, đoàn kiểm tra phải làm việc với doanh nghiệp, hoặc nhà cung cấp chứ không phải những người lái xe,” anh Hòa than thở.
 
Mạnh tay xử phạt nghiêm
 
Ông Hoàng Ngọc Đức, Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông Vận tải Từ Liêm cho biết, qua kiểm tra, các xe chủ yếu vi phạm các lỗi như: dây kết nối từ hộp đen đến máy in quá ngắn; thiết bị ở vị trí không thuận lợi cho việc kiểm tra; xe lắp thiết bị nhưng thiết bị không đảm bảo các quy định đã được đề ra…
 
“Những trường hợp trên, đoàn kiểm tra sẽ xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP; thu hồi phù hiệu chạy xe theo quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP đối với các xe lắp thiết bị hộp đen không hoạt động hoặc hoạt động không theo quy định,” ông Đức khẳng định.
 
Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, với một số trường hợp hộp đen lỗi về sim dẫn đến không in được các vi phạm, để đảm bảo tính khách quan, lực lượng Thanh tra Giao thông sẽ chưa lập biên bản mà sẽ cử cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để xác minh, lỗi do bên nào thì xử lý bên đó.
 
[Thanh tra vận tải: "Dọa" lái xe, chưa "dọa" được chủ]
 
“Vấn đề xử phạt thiết bị giám sát hành trình còn liên quan đến cả các doanh nghiệp, chủ phương tiện, bởi các chủ phương tiện mới là những người quyết định lắp đặt, và sử dụng thiết bị còn lái xe chỉ là người thực hiện. Vì thế, lực lượng Thanh tra giao thông sẽ dựa vào các giám sát kỹ thuật viên để xác định trạng thái hoạt động của thiết bị và lỗi thuộc về bên nào để xử lý,” ông Đức bày tỏ quan điểm.
 
Đề cập đến việc thiết bị hộp đen lỗi, ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Bình Anh (đơn vị sản xuất hộp đen) chỉ ra lý do chính là khách hành không duy trì dịch vụ máy chủ, không duy trì dịch vụ sim card, sim bị khóa không thể in được, một số bảng hướng dẫn bị bóc đi cho nên các lực lượng sẽ không có căn cứ, cú pháp để in…
 
“Trong trường hợp sim bị khóa, thiết bị gặp trục trặc kỹ thuật cần liên hệ ngay với nhà sản xuất để được trợ giúp. Những xe nào bị bóc bảng hướng dẫn hoặc thiếu dây máy in thì cũng phải bổ sung gấp trong đợt thanh kiểm tra này,” ông Thanh Anh kiến nghị với chủ xe lắp đặt hộp đen.
 
Cũng theo ông Đức, trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường kiểm tra việc lắp đặt thiết bị hành trình trong bến, Đội Thanh tra Giao thông sẽ tăng cường kiểm tra việc dừng đón trả khách sai quy định, các xe đang lưu thông trên trên đường có dấu hiệu vi phạm.
 
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/7, lực lượng thanh tra giao thông sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, tiến hành kiểm tra việc lắp đặt, duy trì, khai thác, quản lý cập nhật thông tin về thiết bị giám sát hành trình.
 
“Trường hợp phát hiện phương tiện thuộc diện bắt buộc phải lắp, không lắp hoặc lắp không hoạt động thì kiên quyết lập biên bản. Sau 3 ngày đến một tuần, sẽ tổng hợp vi phạm và có hình thức xử lý đích đáng với các doanh nghiệp đang quản lý các phương tiện đó. Nếu phát hiện doanh nghiệp có trên 20% phương tiện vi phạm, sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động,” vị Chánh Thanh tra Bộ khẳng định.
 
Bên cạnh đó, ông Huyện cũng cho rằng, với những doanh nghiệp không có bộ phận quản lý, theo dõi an toàn hoặc hoạt động chỉ mang tính hình thức dù đã được quy định tại Nghị định 93 sửa đổi, Thanh tra Bộ sẽ tiến hành xử lý mạnh tay, rút giấy phép kinh doanh vận tải, chứ không chỉ dừng lại ở việc phạt tiền hoặc tước phù hiệu như trước đây./.
 
Nghị định 91 của Chính phủ quy định, những loại phương tiện trong diện phải lắp hộp đen và duy trì tình trạng hoạt động tốt của loại thiết bị này, gồm: xe vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, xe buýt, xe container. 
 
Theo đó, từ 1/7/2013, sẽ xử phạt người điều khiển phương tiện đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình hoặc gắn nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không đúng quy định.